Duy Xuyên nỗ lực gỡ vướng cho sản phẩm OCOP

Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP, dù đạt được kết quả khả quan nhưng để sản phẩm OCOP ở huyện Duy Xuyên có chỗ đứng trên thị trường cần giải pháp mang tính đột phá.

1.jpg
Sản phẩm của HTX Nông nghiệp Xanh Duy Oanh đang vướng về quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: N.T

Vướng nhiều khâu

Bà Phạm Thị Duy Mỹ – Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Duy Oanh (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) cho hay, sản phẩm của Duy Oanh khi còn là hộ kinh doanh cá thể đã nhận được chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ. Sau đó, phát triển lên HTX để mở rộng quy mô sản xuất thì đơn vị nộp hồ sơ chuyển đổi và chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp chứng nhận lại.

“Hơn 1 năm qua, HTX không nhận được phản hồi từ Cục Sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, việc thay đổi chứng nhận có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhất là ảnh hưởng đến cả vấn đề chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…” – bà Mỹ chia sẻ.

Sau hơn 4 năm được xếp hạng 4 sao OCOP, khăn lụa Mã Châu của Công ty TNHH MTV lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước) ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, việc bảo hộ thương hiệu đang gặp nhiều trở ngại. Bà Trần Thị Yến – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV lụa Mã Châu thông tin, những năm qua nghệ nhân của lụa Mã Châu sáng chế ra công nghệ mới, tiên tiến nhất dành cho việc sản xuất sản phẩm lụa.

“Doanh nghiệp đã liên hệ đến cơ quan có thẩm quyền để nhờ hướng dẫn đăng ký bảo hộ sáng chế và phía cơ quan hướng dẫn yêu cầu cung cấp tất cả tài liệu, thông tin của thiết bị, công nghệ…

Tuy nhiên, việc sáng tác của nghệ nhân là người nông dân mày mò, sáng tạo thì việc vẽ và mô tả lại rất khó khăn. Vì vậy, phía doanh nghiệp vẫn loay hoay không biết làm thế nào để đăng ký bảo hộ thương hiệu sáng chế cho công nghệ này” – bà Yến nói.

2.jpg
Nghệ nhân của lụa Mã Châu sáng chế ra công nghệ mới dệt lụa. Ảnh: N.T

Ông Nguyễn Chí Công – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, đến nay trên địa bàn huyện có 22 sản phẩm được UBND cấp tỉnh và cấp huyện công nhận đạt hạng sao OCOP; trong đó có 6 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 16 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.

Thời gian qua, các hộ kinh doanh cá thể, HTX mạnh dạn thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất – kinh doanh.

Tuy nhiên, việc áp dụng nền tảng công nghệ số, các vấn đề về sở hữu trí tuệ tại các doanh nghiệp, HTX vẫn còn rời rạc do thiếu các giải pháp thiết thực, chưa có chiến lược thực hiện rõ ràng ngay từ đầu.

Cũng theo ông Công, hiện nay việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP ở Duy Xuyên vẫn còn gặp không ít khó khăn. Một số chủ thể năng lực, quy mô sản xuất còn ở mức độ nhỏ, thiếu tính liên kết, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường.

Đa số chủ thể tham gia chương trình OCOP xuất phát điểm là từ hộ kinh doanh nhỏ nên chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật có liên quan trong hoạt động sản xuất, dẫn đến gặp vướng mắc trong quá trình xác lập hồ sơ đánh giá hoặc đánh giá nâng hạng sao…

3.jpg
Thời gian tới, Duy Xuyên sẽ tập trung nâng tầm sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: N.T

Đồng bộ giải pháp

Năm 2024, huyện Duy Xuyên có 10 sản phẩm của 9 chủ thể đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm mới gồm: ốc nhồi ống nứa của hộ kinh doanh ốc bươu đen Huy Hoàng, chả bò của hộ kinh doanh nem chả Nam Khánh, kẹo khoai lang mix hạt của hộ kinh doanh thực phẩm sạch An Xanh, bánh đậu xanh của hộ kinh doanh Huỳnh Thị Yến, sen sấy khô Vĩnh Trinh của HTX Duy Hòa 2, trứng gà công nghệ cao của hộ kinh doanh trang trại chăn nuôi Bình Minh.

Còn 4 sản phẩm đăng ký đánh giá công nhận lại gồm: gạo tím than của hộ kinh doanh Lò gạch cũ Farmstay, trứng gà ác Hảo Nhân của hộ kinh doanh Phạm Ngọc Anh, mắm ruốc và nước mắm nhỉ thượng hạng của cơ sở sản xuất nước mắm Duy Trinh.

Ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, thời gian đến huyện sẽ tiến hành rà soát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn.

Tập trung phát triển các sản phẩm là đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn…

hc1.jpg
Duy Xuyên sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chủ thể kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: N.T

Theo ông Phúc, những năm tới Duy Xuyên tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi, hợp tác từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.

Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, ISO. Đặc biệt, hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm đạt 4 sao OCOP nhằm giúp cho những thương hiệu nông sản Duy Xuyên khẳng định rõ giá trị bền vững trong lòng người tiêu dùng.

Ngoài ra, chính quyền huyện Duy Xuyên còn đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông đa phương tiện về chương trình OCOP. Cạnh đó, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *